Healthcare and Wellness

Mục tiêu: Nghiên cứu nhằm đánh giá tác dụng điều trị giảm đau thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phương pháp điện châm kết hợp treo xà đơn. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng mở, so sánh trước và sau điều trị. Đối tượng là 30 bệnh nhân được chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Kết quả: Nghiên cứu cho thấy phương pháp điện châm kết hợp treo xà đơn có tác dụng cải thiện rõ rệt: mức độ đau, độ giãn cột sống thắt lưng, góc độ Lasègue, tầm vận động cột sống thắt lưng, chất lượng cuộc sống; kết quả điều trị chung đạt 40% tốt, 46,7% khá, 13,3% trung bình; trong quá trình điều trị không có tác dụng không mong muốn trên lâm sàng. Kết luận: Phương pháp điện châm kết hợp treo xà đơn có tác dụng tốt và an toàn trong điều trị giảm đau thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

 

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (TVĐĐ CSTL) là bệnh lý thường gặp trên lâm sàng, ở cả nam lẫn nữ, chủ yếu xảy ra ở những người trẻ, phần lớn trong độ tuổi lao động [1]. Đây là bệnh lý hay gặp nhất của bệnh lý đĩa đệm, là nguyên nhân chính gây đau thắt lưng (theo Lambert 63% đau thắt lưng là do TVĐĐ).

Theo Y học hiện đại (YHHĐ), điều trị TVĐĐ CSTL có nhiều phương pháp khác nhau, trong đó kéo giãn cột sống là phương pháp điều trị giải quyết được một phần bệnh sinh của TVĐĐ. Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết y tế tuyến cơ sở chưa đủ điều kiện để trang bị máy kéo giãn cột sống; trong khi đó phương pháp treo xà đơn là phương pháp kéo giãn CSTL tự nhiên theo phương thẳng đứng bằng trọng lượng cơ thể, dựa trên nguyên lý làm giảm áp lực tải trọng lên đĩa đệm, giúp cho quá trình phục hồi TVĐĐ bước đầu đã mang lại hiệu quả. Ưu điểm của phương pháp này là tự nhiên, đơn giản và ít tốn kém. Do đó có thể áp dụng rộng rãi tại các y tế tuyến cơ sở.

Theo Y học cổ truyền (YHCT), TVĐĐ CSTL được miêu tả trong phạm vi “Chứng tý”, với các bệnh danh: “Yêu thống”, “Yêu cước thống”, “Tọa cốt phong”…Về điều trị có nhiều phương pháp: Điện châm, cứu, thuốc đông y, xoa bóp bấm huyệt…Trong đó, điện châm là phương pháp phổ biến nhất, đã được áp dụng từ lâu ở nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại hiệu quả cao trong điều trị đau thắt lưng do TVĐĐ.

Để góp phần vào điều trị TVĐĐ CSTL, chúng tôi tiến hành nghiên cứu tác dụng của điện châm và treo xà đơn với hai mục tiêu sau:

  1. Đánh giá tác dụng điều trị giảm đau TVĐĐ CSTL của phương pháp điện châm kết hợp treo xà đơn.
  2. Tìm hiểu tác dụng không mong muốn của phương pháp điện châm kết hợp treo xà đơn trên lâm sàng.

 

 

  1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Bao gồm 30 bệnh nhân được chẩn đoán xác định TVĐĐ CSTL được điều trị nội trú tại Khoa Nội Nhi – Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2014.

2.1.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHHĐ

– Từ 20 tuổi trở lên.

– Không phân biệt giới tính.

– Lâm sàng: Bệnh nhân được chẩn đoán xác định TVĐĐ CSTL theo tiêu chuẩn của Saporta (1970). Bệnh nhân TVĐĐ CSTL giai đoạn I, II, IIIa và IIIb theo Arseni.

– Cận lâm sàng: Tất cả các bệnh nhân đều được chụp CT Scanner hoặc MRI CSTL và có hình ảnh TVĐĐ CSTL.

– Tự nguyện tham gia nghiên cứu, tuân thủ nguyên tắc điều trị.

2.1.2. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo YHCT

Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh danh là Yêu thống – Yêu cước thống phân làm hai thể: Huyết ứ và Huyết ứ hiệp Can thận hư.

2.1.3. Tiêu chuẩn loại trừ

– Tất cả các bệnh nhân bị đau thắt lưng, đau thần kinh hông to không do TVĐĐ CSTL. TVĐĐ có kèm theo nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân.

– Lâm sàng: TVĐĐ giai đoạn IIIc và giai đoạn IV theo Arseni.

– Cận lâm sàng: Bệnh nhân không chụp hoặc chụp CT Scanner hoặc MRI CSTL không có hình ảnh TVĐĐ.

– Bệnh nhân không tự nguyện tham gia nghiên cứu, không tuân thủ nguyên tắc điều trị.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Thiết kế nghiên cứu

– Sử dụng phư­ơng pháp nghiên cứu tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng mở, so sánh trước và sau điều trị.

– Cỡ mẫu nghiên cứu: 30 bệnh nhân.

2.2.2. Phương pháp điều trị

Điều trị phối hợp điện châm và treo xà đơn, theo thứ tự điện châm trước, sau đó đến treo xà đơn. Đánh giá kết quả sau 10 ngày điều trị.

Ø  Điện châm:

  1. Châm các huyệt ở vùng thắt lưng và thắt lưng hông:

* Thể Huyết ứ hiệp Can thận hư:

–  Châm bổ các huyệt: Thận du, Tam âm giao.

–  Châm tả các huyệt sau:

  • Nếu bệnh nhân chỉ đau vùng thắt lưng, châm tả theo công thức huyệt:

Giáp tích L1 – L5                         Đại trường du

Dương lăng tuyền                                    Uỷ trung

  • Nếu bệnh nhân đau từ thắt lưng lan xuống mông và chân theo đường đi của kinh bàng quang, châm tả bên đau theo công thức huyệt:

Giáp tích L1 – L5                         Đại trường du

Trật biên                                        Thừa phù

Ân môn                                          Uỷ trung

Thừa sơn                                       Côn lôn

  • Nếu bệnh nhân đau từ thắt lưng lan xuống mông và chân theo đường đi của kinh Đởm, châm tả bên đau theo công thức huyệt:

Giáp tích L1 – L5                         Hoàn khiêu

Đại trường du                               Dương lăng tuyền

Phong thị                                       Túc tam lý

Huyền chung

* Thể huyết ứ:

Điện châm công thức huyệt giống thể Huyết ứ hiệp Can thận hư, thêm các huyệt: Huyết hải và Cách du.

  1. Phúc châm

– Châm bổ: Quan nguyên, Khí hải.

– Châm tả các huyệt:

Thủy phân                                      Ngoại lăng

Khí huyệt                                       Tứ mãn

Thiên khu                                       Khí xung

Liệu trình: 2 lần/ngày: Sáng châm vùng thắt lưng, chiều châm vùng bụng (Phúc châm). Mỗi lần 30 phút.

Ø  Treo xà đơn

Liệu trình: Mỗi ngày tập hai lần (sáng, chiều). Mỗi lần treo năm lượt, mỗi lượt treo 15 giây (15 giây với một lượt treo là đủ).

2.2.3. Chỉ tiêu nghiên cứu

* Lâm sàng:

– Phân bố theo một số đặc điểm đau, giai đoạn TVĐĐ, thể bệnh YHCT

– Mức độ đau thắt lưng và thần kinh hông to của bệnh nhân (dựa vào thang điểm VAS).

– Đo độ giãn CSTL (Nghiệm pháp Schober).

– Mức độ chèn ép rễ thần kinh hông (Nghiệm pháp Lasègue).

– Tầm vận động của CSTL.

– Đánh giá sự cải thiện chất lượng cuộc sống (Dựa vào bộ câu hỏi “OSWESTRY LOW BACK PAIN DISABILITY QUESTIONAIRE”)

– Hiệu quả điều trị chung.

– Hiệu quả điều trị chung theo giai đoạn TVĐĐ và thể bệnh YHCT.

* Cận lâm sàng:

– Đặc điểm TVĐĐ CSTL trên phim CT Scanner hoặc MRI CSTL.

– Đánh giá sự biến đổi một số chỉ số sinh lý (mạch, huyết áp, nhịp thở).

– Đánh giá sự biến đổi một số chỉ số huyết học: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, tốc độ máu lắng.

* Các tác dụng không mong muốn

2.2.4. Tiêu chuẩn đánh giá kết quả điều trị

– Mức độ đau thắt lưng và thần kinh hông to của bệnh nhân.

– Độ giãn CSTL.

– Nghiệm pháp Lasègue.

– Tầm vận động CSTL.

– Sự cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đánh giá hiệu quả điều trị chung: Dựa vào tổng số điểm của các chỉ tiêu trên:

 

* Cách tính:

(Tổng điểm SĐT – Tổng điểm TĐT)/ Tổng điểm TĐT x 100%

* Cách đánh giá:

Loại A : Kết quả điều trị tốt, tổng điểm sau điều trị tăng hơn 80% so với trước điều trị.

Loại B : Kết quả điều trị khá, tổng điểm sau điều trị tăng 61 – 80% so với trư­ớc điều trị.

Loại C : Kết quả điều trị trung bình, tổng điểm sau điều trị tăng 40 – 60% so với tr­ước điều trị.

Loại D : Kết quả điều trị kém, tổng điểm sau điều trị tăng d­ưới 40% so với trước điều trị.

III. KẾT QUẢ

3.1. Kết quả điều trị

3.1.1. Sự cải thiện mức độ đau sau 10 ngày điều trị

 

Bảng 1: Sự cải thiện mức độ đau sau 10 ngày điều trị

 

 

Nhận xét: Sau 10 ngày điều trị mức độ đau của nhóm nghiên cứu cải thiện rõ rệt. Điểm đau trung bình của nhóm TĐT là 3,63 ± 0,49 giảm xuống còn 2,13 ± 0,507 SĐT. Sự thay đổi này có ý nghĩa thống kê với p<0,05.

 

 

Biểu đồ 1: Sự cải thiện mức độ đau theo thang điểm VAS

3.1.2. Sự cải thiện độ giãn CSTL sau 10 ngày điều trị

 

Bảng 2: Sự cải thiện độ giãn CSTL sau 10 ngày điều trị

 

 

Nhận xét: Sau 10 ngày điều trị độ giãn CSTL của nhóm nghiên cứu cải thiện rõ rệt. Giá trị trung bình độ giãn CSTL của nhóm TĐT là 1,4 ± 0,498 tăng lên 2,77 ± 0,774 SĐT (p<0,001).

3.1.3. Sự cải thiện góc độ Lasègue sau 10 ngày điều trị

 

Bảng 3: Sự cải thiện góc độ Lasègue sau 10 ngày điều trị

 

 

Nhận xét: Sau 10 ngày điều trị góc độ Lasègue của nhóm nghiên cứu thay đổi rõ rệt. Giá trị trung bình góc độ Lasègue của nhóm TĐT là 1,40 ± 0,498 tăng lên        2,57 ± 0,568 SĐT (p<0,05).

 

3.1.4. Sự cải thiện tầm vận động CSTL sau 10 ngày điều trị

 

Bảng 4: Sự cải thiện tầm vận động CSTL sau 10 ngày điều trị

 

 

Nhận xét: Sau 10 ngày điều trị tầm vận động CSTL của nhóm nghiên cứu có sự thay đổi. Giá trị trung bình tầm vận động CSTL của nhóm TĐT là 1,57 ± 0,504 tăng lên 2,53 ± 0,507 SĐT (p<0,001).

3.1.5. Sự cải thiện chất lượng cuộc sống sau 10 ngày điều trị

 

Bảng 5: Sự cải thiện chất lượng cuộc sống sau 10 ngày điều trị

 

 

Nhận xét: Chất lượng cuộc sống sau 10 ngày điều trị có sự cải thiện rõ rệt. Giá trị trung bình chất lượng cuộc sống của nhóm trước điều trị là 1,50 ± 0,509 tăng lên 2,97 ± 0,615 sau điều trị (p<0,05).

 

3.1.6. Kết quả điều trị chung sau 10 ngày điều trị

 

Bảng 6: Kết quả điều trị chung sau 10 ngày điều trị

 

 

Mức độ

 

D10

n Tỷ lệ %
A – Tốt 12 40
B – Khá 14 46,7
C – Trung bình 4 13,3
D – Kém 0 0

 

 

 

Nhận xét: Kết quả chung sau 10 ngày điều trị đạt kết quả tốt và khá 86,7%, trung bình 13,3% và không có bệnh nhân nào đạt kết quả kém.

 

 

Biểu đồ 2: Đánh giá kết quả điều trị chung

 

3.1.7. Kết quả điều trị chung theo thể bệnh YHCT sau 10 ngày điều trị

 

Bảng 7: Kết quả điều trị chung theo thể bệnh YHCT sau 10 ngày điều trị

 

 

Nhận xét: Sau 10 ngày điều trị đạt kết quả tốt và khá ở thể Huyết ứ là 94,1%, thể Huyết ứ hiệp Can thận hư là 76,9%. Kết quả này cho thấy bệnh nhân thể Huyết ứ (TVĐĐ không có thoái hoá CSTL) đáp ứng điều trị tốt hơn thể Huyết ứ hiệp Can thận hư (TVĐĐ có thoái hoá CSTL). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05.

  1. Tác dụng không mong muốn:

Qua theo dõi điều trị 10 ngày cho 30 bệnh nhân nghiên cứu không có trường hợp nào xảy ra tác dụng không mong muốn: Vựng châm, chảy máu, tụ máu, nhiễm trùng, mẫn ngứa… Điều đó cho thấy đây là phương pháp điều trị an toàn.

  1. BÀN LUẬN

Phương pháp điện châm kết hợp treo xà đơn bước đầu đã mang lại hiệu quả điều trị giảm đau trong bệnh lý TVĐĐ CSTL. Kết quả điều trị chung của bệnh nhân nghiên cứu ở mức độ tốt là 40%, khá 46,7%, trung bình 13,3%.

Thu được kết quả như trên là do sự kết hợp của phương pháp điện châm (châm lưng, châm bụng) và treo xà đơn ngày hai lần. Phương pháp Phúc châm sử dụng các huyệt ở vùng bụng – là hệ thống điều hoà thần kinh, nội tiết của cơ thể (YHHĐ) [2]; là nơi hội tụ của tinh, thần, khí, huyết nên có tác dụng điều hòa kinh lạc, khí huyết, có tác dụng giảm đau mạnh hơn các vùng châm cứu khác (YHCT); do đó hiệu quả giảm đau sẽ tốt hơn [4]. Đồng thời kết hợp treo xà đơn sẽ làm tăng hiệu quả giảm đau do làm giãn cơ, giảm áp lực nội đĩa đệm dẫn đến tăng cường dinh dưỡng đĩa đệm, giải phóng chèn ép rễ thần kinh, tăng nuôi dưỡng cục bộ; điều chỉnh các di lệch và tăng tính linh hoạt của khớp đốt sống. Ngoài ra treo xà đơn còn tạo điều kiện thuận lợi cho đĩa đệm mới bị thoát vị ở mức độ nhẹ và vừa có thể trở lại vị trí cũ.

Kết quả này cũng tương đương với kết quả của tác giả Trần Thái Hà trong nghiên cứu tác dụng điều trị TVĐĐ CSTL bằng phương pháp điện châm, xoa bóp kết hợp từ nhiệt và kéo giãn cột sống (46,7% rất tốt; 46,7% tốt; 6,6% trung bình) [3].

  1. KẾT LUẬN
  2. Hiệu quả điều trị giảm đau của điện châm kết hợp treo xà đơn sau 10 ngày điều trị đạt 40% tốt, 46,7% khá, 13,3% trung bình.
  3. Điện châm và treo xà đơn là phương pháp điều trị an toàn và không có bất kỳ tác dụng không mong muốn nào trên lâm sàng.

 

Bs Nguyễn Văn Dũng và Cộng sự

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạp chí Y dược học Quân sự(2009), số 4, tr 44.
  2. Nguyễn Minh Phương (2013), “Đánh giá tác dụng điều trị giảm đauTVĐĐ CSTL bằng phương pháp Phúc châm”, Hội nghị khoa học sáng tạo thầy thuốc trẻ lần thứ II.
  3. Trần Thái Hà, Nguyễn Nhược Kim, Lê Thị Hoài Anh(2007), “Đánh giá tác dụng điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng phương pháp điện châm, xoa bóp kết hợp từ nhiệt và kéo giãn cột sống”, Luận văn thạc sỹ y học, Đại học Y Hà Nội.
  4. 林定坤李永津(2010),腹针治疗腰腿痛经验总结,广东省中医院骨一 科脊柱专
  5. Li N, Wu B, Wang CW(2005). “Comparison of acupuncture-moxibustion and physiotherapy in treating chronic non-specific low back pain. Zhong guo Linchuang Kangfu; Vol 9. No 2, p.186-7.