Mục tiêu: Xác định độc tính cấp và bán trường diễn của viên hoàn cứng “Sâm nhung Tán dục đơn”, đánh giá tác dụng của viên hoàn cứng “Sâm nhung tán dục đơn” trong điều trị bệnh nhân suy giảm tinh trùng thể thận dương hư.
Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng, so sánh trước và sau điều trị trên 50 bệnh nhân suy giảm tinh trùng sau khi được thăm khám y học hiện đại và y học cổ truyền, đủ tiêu chuẩn.
Kết quả và kết luận: Viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn không gây độc tính cấp và độc tính bán trường diễn trên động vật thực nghiệm, Viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn có tác dụng làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng ở những bệnh nhân suy giảm tinh trùng thể thận dương hư sau 3 tháng điều trị liên tục.
Từ khóa: Sâm nhung tán dục đơn, suy giảm tinh trùng.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Suy giảm tinh trùng (SGTT) là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây vô sinh nam, được chẩn đoán qua xét nghiệm tinh dịch đồ. Số lượng và chất lượng tinh trùng người trên thế giới đang có xu hướng ngày càng giảm. Ngày nay có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới chức năng sinh sản ở nam giới, những yếu tố đó tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên quá trình sinh sản và trưởng thành của tinh trùng khiến cơ chế bệnh sinh của suy giảm tinh trùng ngày càng phức tạp. Y học hiện đại (YHHĐ) đã có nhiều thành tựu trong điều trị suy giảm tinh trùng nhưng kết quả không ổn định và còn có những tác dụng không mong muốn. Vì vậy việc sử dụng các phương thuốc Y học cổ truyền (YHCT) trong điều trị suy giảm tinh trùng đã và đang được nhiều tác giả quan tâm. Suy giảm tinh trùng theo YHCT được xếp vào chứng “vô tử”, “cầu tự”, một số tác giả Trung Quốc dùng thuật ngữ “thiểu tinh”, “nhược tinh”. Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả của bài thuốc YHCT trong điều trị suy giảm tinh trùng nhưng chưa nhiều, việc đi sâu nghiên cứu lĩnh vực này là cần thiết.
Năm 2015, tại Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng, Nguyễn Văn Dũng, Trần Quang Minh, Khúc Thị Song Hương đã đánh giá tác dụng của bài thuốc Tán dục đơn trên 30 bệnh nhân suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng thể thận dương hư. Sau 3 tháng điều trị, số lượng và chất lượng tinh trùng đều tăng có ý nghĩa thống kê. Trên cơ sở đó, chúng tôi dùng bài Tán dục đơn gia thêm hai vị Lộc Nhung và Nhân sâm với mục đích tăng cường hiệu quả của bài thuốc lên số lượng và chất lượng tinh trùng. Thuốc được sản xuất hiện đại dưới dạng viên hoàn cứng, thuận tiện trong sử dụng. Xuất phát từ những lý do trên, với hy vọng góp thêm một phương pháp điều trị cho các bệnh nhân bị suy giảm tinh trùng, chúng tôi tiến hành đề tài này với hai mục tiêu: Xây dựng quy trình bào chế viên hoàn Sâm Nhung Tán dục đơn theo phương pháp Y học cổ truyền; đánh giá tính an toàn và hiệu quả điều trị của viên hoàn Sâm Nhung Tán dục đơn trên bệnh nhân suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng tại Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng.
CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Chất liệu nghiên cứu
– Thuốc nghiên cứu: viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn hàm lượng 0,3g; đóng lọ 90 viên. Sản xuất tại Khoa Dược – Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng
– Thành phần thuốc Sâm nhung tán dục đơn (01 viên hàm lượng 0,3g): Thục địa 673,4mg; Bạch truật 673,4mg; Kỷ tử 505,1mg; Đương quy 505,1 mg; Tiên mao 336,7mg; Đỗ trọng 336,7mg; Sơn thù 336,7mg; Dâm dương hoắc 336,7 mg; Ba kích 336,7 mg; Nhục thung dung 336,7 mg; Cửu tử 336,7 mg; Xà sàng tử 168,4 mg; Phụ tử chế 168,4 mg; Quế nhục 168,4 mg; Lộc nhung 84,2 mg; Nhân sâm 298 mg.
– Tác dụng: Ôn bổ thận dương, bồi bổ tinh huyết.
– Chỉ định: Bệnh nhân suy giảm tinh trùng thể thận dương hư.
– Liều dùng, cách dùng: ngày uống 12 viên chia 3 lần, sáng – trưa – tối, uống sau ăn. Uống liên tục 03 tháng.
Đối tượng nghiên cứu
– Nghiên cứu bào chế: Bài thuốc Sâm nhung tán dục đơn, có nguồn gốc từ bài Tán dục đơn (Cảnh nhạc toàn thư) gia thêm 2 vị Nhân sâm và Lộc nhung.
– Nghiên cứu độc tính cấp: Chuột nhắt trắng chủng Swiss, cả 2 giống, khỏe mạnh, trọng lượng 20 ± 2 gam, được nuôi dưỡng theo quy trình chuẩn của WHO, do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp.
– Nghiên cứu độc tính bán trường diễn: Chuột cống chủng Wistar, cả hai giống, khỏe mạnh, trọng lượng 180 ± 20 gam, do Ban chăn nuôi – Học viện Quân y cung cấp.
– Nghiên cứu trên lâm sàng: 50 bệnh nhân suy giảm số lượng và/ hoặc chất lượng tinh trùng đến khám tại khoa Khám bệnh – Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng từ tháng 7/2018 đến tháng 10/2018, đạt đủ tiêu chuẩn, tự nguyện tham gia nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu bào chế
– Xây dựng quy trình bào chế của viên hoàn Sâm nhung Tán dục đơn: Tiến hành theo Dược điển Việt Nam IV năm 2009.
– Thực hiện quy trình bào chế: Quy trình này bao gồm các công đoạn được thực hiện tại Khoa Dược – Bệnh viện Y học cổ truyền thành phố Đà Nẵng.
+ Chuẩn bị dụng cụ, thiết bị: Chuẩn bị chai lọ, dụng cụ và thiết bị sản xuất viên hoàn.
+ Chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế:
w Các dược liệu được kiểm tra đạt tiêu chuẩn, có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ.
w Dược liệu được loại bỏ tạp chất, rửa sạch, thái phiến, sấy khô trước khi đưa đi nấu cao và tán bột.
+ Tiến hành bào chế.
w Chiết xuất cao.
w Làm bột nguyên liệu.
w Trộn nguyên liệu.
w Kiểm tra bán thành phẩm và lưu mẫu.
w Thành phẩm và kiểm nghiệm.
– Tiêu chuẩn cơ sở của viên hoàn Sâm nhung Tán dục đơn: Tiến hành theo Dược điển Việt Nam IV năm 2009. Yêu cầu chất lượng:
+ Tính chất: Hoàn hình cầu, màu đen, tròn đều, đồng nhất về hình dạng và màu sắc, mặt viên nhẵn. Mặt cắt bên trong màu nâu. thơm mùi dược liệu.
+ Độ đồng nhất: Cắt đôi viên hoàn, mặt cắt phải có màu sắc đồng nhất.
+ Độ rã: Không quá 60 phút.
+ Độ đồng đều khối lượng: Khối lượng trung bình viên ± 12 %.
+ Mất khối lượng do làm khô: Không quá 15,0 %.
+ Định tính: Chế phẩm phải thể hiện phép thử định tính của Thục địa, Dâm dương hoắc, Bạch truật, Nhân sâm, Lộc nhung.
+ Độ nhiễm khuẩn: Đạt mức 4 – Dược điển Việt nam IV.
Nghiên cứu độc tính cấp và độc tính bán trường diễn
– Thử độc tính cấp và xác định liều thấp nhất gây chết 50% (LD50) bằng phương pháp Litchfield – Wilcoxon theo hướng dẫn của WHO.
– Nghiên cứu độc tính bán trường diễn: Đánh giá trên chuột cống chủng Wistar theo đường uống theo hướng dẫn của WHO đối với thuốc YHCT.
Nghiên cứu trên lâm sàng
– Nghiên cứu tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng, so sánh trước và sau điều trị trên 50 bệnh nhân SGTT sau khi được thăm khám YHHĐ và YHCT, đủ tiêu chuẩn.
– Quy trình nghiên cứu:
+ Xét nghiệm tinh dịch đồ trước điều trị để chẩn đoán SGTT theo tiêu chuẩn WHO 2010.
+ Khám lâm sàng theo YHHĐ và YHCT. Lập hồ sơ bệnh án theo mẫu thống nhất.
+ Xét nghiệm các hormon LH, FSH, testosteron, estradiol, prolactin. Xét nghiệm công thức máu (Hồng cầu, Bạch cầu, Hemoglobin, Tiểu cầu), sinh hóa máu (Glucose, Ure, Creatinin, AST, ALT), tổng phân tích nước tiểu, HIV.
+ Bệnh nhân nghiên cứu được uống thuốc liên tục trong 90 ngày. Theo dõi các triệu chứng lâm sàng, tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị.
+ Xét nghiệm tinh dịch đồ sau điều trị 30 ngày, 60 ngày, 90 ngày. Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu (Ure, Creatinin, AST, ALT), hormon (LH, FSH, testosteron, estradiol, prolactin) sau điều trị.
+ So sánh kết quả trước và sau điều trị.
– Chỉ tiêu nghiên cứu:
+ Các chỉ tiêu lâm sàng:
w Các chỉ tiêu nghiên cứu chung: tuổi, nghề nghiệp, BMI, lý do điều trị (liên quan vô sinh hay không).
w Triệu chứng lâm sàng theo YHCT (sắc mặt nhợt, sợ lạnh, chân tay lạnh, đau mỏi lưng, tiểu nhiều lần, mạch bộ xích trầm tế); các triệu chứng lâm sàng không mong muốn (nôn, đau bụng, mẩn ngứa, rối loạn đại tiện, mạch, huyết áp trung bình).
+ Tinh dịch đồ: Thể tích tinh dịch(ml), pH tinh dịch, mật độ tinh trùng (triệu/ml), tổng số tinh trùng (triệu), tỷ lệ tinh trùng tiến tới (%), tỷ lệ tinh trùng hình thái bình thường (%), tỷ lệ tinh trùng sống (%).
+ Chỉ tiêu cận lâm sàng:
w Công thức máu: Hồng cầu, Hemoglobin, Bạch cầu, Tiểu cầu.
w Sinh hóa máu: ure, creatinin, AST, ALT.
w Hormon: LH, FSH, testosteron, estradiol, prolactin sau 90 ngày điều trị.
Bệnh nhân được theo dõi ngoại trú, thăm khám lâm sàng trong quá trình uống thuốc. Các chỉ tiêu lâm sàng được theo dõi vào bốn thời điểm trước điều trị (D0), sau điều trị 30 ngày (D30), sau điều trị 60 ngày (D60), và sau điều trị 90 ngày (D90). Các chỉ tiêu cận lâm sàng được theo dõi trước và sau điều trị.
Xử lý số liệu
Các số liệu nghiên cứu lâm sàng được phân tích trên máy tính theo chương trình SPSS 20.0.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu bào chế
Quy trình bào chế viên hoàn sâm nhung tán dục đơn
Tiêu chuẩn cơ sở
– Tính chất: Hoàn hình cầu, màu đen, tròn đều, đồng nhất về hình dạng và màu sắc, mặt viên nhẵn. Mặt cắt bên trong màu nâu, thơm mùi dược liệu.
– Độ đồng nhất: Lấy 5 hoàn bất kỳ của lô sản xuất, dùng dao cắt đôi từng hoàn, kiểm tra bằng mắt thường và bằng kính lúp, mặt cắt có màu đồng nhất, không có chỗ đậm, chỗ nhạt.
– Độ rã: Viên rã trong 45 phút.
– Độ đồng đều khối lượng: Khối lượng trung bình viên đạt 0.3085g ± 6,4%.
– Mất khối lượng do làm khô: Mất khối lượng do làm khô (1 g, 100 0C trong 4 giờ): đạt 9,9%.
Kết quả thử độc tính cấp và bán trường diễn
– Chuột nhắt trắng được uống thuốc Sâm nhung tán dục đơn từ liều thấp nhất đến liều cao nhất là 75ml/kg thể trọng chuột tương đương 50,0g/kg nhưng không có chuột nào chết, không xuất hiện triệu chứng bất thường nào trong 72 giờ sau uống thuốc lần đầu và trong suốt 7 ngày.
– Viên hoàn Sâm nhung tán dục đơn không thể hiện độc tính bán trường diễn trên chuột cống trắng khi cho chuột cống trắng uống liều 0,504g/kg thể trọng (liều có tác dụng tương đương liều dùng trên người) và một lô uống liều 1,512g/kg thể trọng chuột/ngày (cao gấp 3 lần liều lâm sàng dùng cho người) trong 12 tuần liên tục uống thuốc.
– Tất cả các chỉ số theo dõi về tình trạng chung, cân nặng, chức năng tạo máu, chức năng gan, chức năng thận đều nằm trong giới hạn bình thường, mô bệnh học gan, thận không có sự khác biệt rõ rệt so với lô chứng.
Nghiên cứu trên lâm sàng
Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
– Các bệnh nhân từ 18 – 32 tuổi chiếm tỷ lệ nhiều nhất (42%). Tỷ lệ bệnh nhân từ 33 – 40 tuổi chiếm 36%, từ 41 – 48 tuổi chiếm 22%.
– Không có sự khác biệt về tuổi trung bình giữa các nhóm vô sinh I, vô sinh II và không vô sinh (p>0,05). Tuổi trung bình của bệnh nhân là 34,62 ± 6,74, bệnh nhân cao tuổi nhất là 48 tuổi, thấp nhất là 22 tuổi.
– Số bệnh nhân có nghề nghiệp thuộc nhóm lao động trí óc chiếm 62%, lao động chân tay chiếm 38%.
– Phần lớn bệnh nhân đến khám vì vô sinh, chiếm 82% (vô sinh I chiếm 64%, vô sinh II chiếm 18%). Có 18% bệnh nhân đến khám không vì lí do vô sinh (đã có đủ con hoặc khám vì lý do khác).
– Số bệnh nhân BMI bình thường là 64% chiếm đa số. Có 8% bệnh nhân có BMI <18,5 và 28% bệnh nhân BMI ≥ 23.
Thay đổi các chỉ số trong tinh dịch đồ trước và sau điều trị
Phân loại tinh trùng trước điều trị và mối liên quan với BMI
Không có mối liên quan giữa BMI với tình trạng suy giảm tinh trùng của bệnh nhân (p > 0,05).
Sự cải thiện thể tích tinh dịch
– Sau 1 tháng, 2 tháng điều trị, thể tích tinh dịch trung bình của bệnh nhân tăng từ 1,32 ± 0,52 ml lên 1,51 ± 0,48 ml và 1,67 ± 0,49 ml, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,01). Sau 3 tháng, thể tích tinh dịch trung bình đạt 2,08 ± 0,57 ml, tăng 0,76 ± 0,39 ml so với trước điều trị, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
– Tỷ lệ bệnh nhân có thể tích tinh dịch ít (<1,5 ml) có xu hướng giảm dần. Sau 1 tháng, tỷ lệ này giảm từ 62% xuống 54% nhưng chưa có sự khác biệt có ý nghĩa so với trước điều trị (p>0,05). Sau 2 tháng và 3 tháng điều trị, tỷ lệ bệnh nhân có thể tích tinh dịch ít giảm rõ rệt, xuống còn 34% và 6%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
Biểu đồ. Thay đổi tỷ lệ bệnh nhân theo thể tích tinh dịch
Sự cải thiện độ pH tinh dịch
Độ pH tinh dịch sau 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng điều trị không có biến đổi rõ rệt (p > 0,05), đều nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn WHO 2010.
Sự cải thiện mật độ tinh trùng
– Mật độ tinh trùng trung bình trước điều trị là 23,29 ± 18,37 triệu/ml. Sau 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng, mật độ tinh trùng trung bình tăng lần lượt là 27,04 ± 17,80 triệu/ml, 32,28 ± 17,33 triệu/ml và 37,82 ± 19,38 triệu/ml, khác biệt có ý nghĩa thống kê so với trước điều trị (p < 0,01).
– Trước điều trị có 34% bệnh nhân có mật độ tinh trùng ít (<15 triệu/ml), sau 1 tháng điều trị tỷ lệ này giảm còn 28%, tuy nhiên chưa có sự khác biệt có ý nghĩa so với trước điều trị (p >0,05). Sau 2 tháng và 3 tháng chỉ còn 18% và 12% bệnh nhân có mật độ tinh trùng ít, sự thay đổi có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.
Biểu đồ. Thay đổi tỷ lệ bệnh nhân theo mật độ tinh trùng
Sự cải thiện tổng số tinh trùng
Tổng số tinh trùng có xu hướng tăng dần từ 30,43 ± 27,39 triệu (trước điều trị) lên 40,83 ± 29,55 triệu, 54,80 ± 34,10 triệu và 82,68 ± 57,91 triệu sau 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng điều trị. So với trước điều trị, tổng số tinh trùng tăng 52,25 ± 37,37 triệu, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
Sự cải thiện tỷ lệ tinh trùng tiến tới (PR)
– PR trước điều trị là 18,96 ± 17,25%, sau điều trị 1 tháng tăng lên 24,12 ± 16,58%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.Sau 2 tháng và 3 tháng, tỷ lệ tinh trùng tiến tới tăng lên rõ rệt là 35,62 ± 14,94 % và 47,26 ± 14,19 %, khác biệt có ý nghĩa thống kê với (p <0,01).
-Trước điều trị có 78% bệnh nhân có tinh trùng yếu, sau 1 tháng giảm xuống 68% nhưng chưa khác biệt có ý nghĩa so với trước điều trị (p > 0,05). Sau 2 tháng và 3 tháng, tỷ lệ này giảm còn 56% và 20%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
Biểu đồ. Thay đổi tỷ lệ bệnh nhân theo PR
Sự cải thiện tỷ lệ tinh trùng sống
– Tỷ lệ tinh trùng sống trung bình sau 1 tháng điều trị tăng từ 54,16 ± 15,92 % lên 59,04 ± 14,57 %. Sau 2 tháng và 3 tháng tỷ lệ này là 64,80 ± 12,78 % và 79,70 ± 12,15 %, tăng lên rõ rệt so với trước điều trị, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
– Trước điều trị có 50% bệnh nhân có tỷ lệ tinh trùng sống ≥ 58%, tỷ lệ này tăng lên 56% sau 1 tháng điều trị, nhưng sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Sau 2 tháng, 3 tháng tỷ lệ bệnh nhân có tinh trùng sống bình thường đã tăng lên rõ rệt là 74% và 90%, sự thay đổi có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
Biểu đồ. Thay đổi tỷ lệ bệnh nhân theo tỷ lệ tinh trùng sống
Hình thái tinh trùng
– Sau 1 tháng và 2 tháng điều trị, tỷ lệ tinh trùng hình thái bình thường là 47,10 ± 21,30% và 53,74 ± 21,72%, khác biệt có ý nghĩa thống kê so với trước điều trị (p < 0,01). Tỷ lệ này tăng rõ rệt ở tháng thứ 3, đạt 69,56 ± 21,69%, tăng 25,42 ± 8,59% so với trước điều trị, sự thay đổi có ý nghĩa thống kê với p < 0,01.
– Trước điều trị có 88% bệnh nhân có hình thái tinh trùng bình thường ≥ 4%. Sau 90 ngày điều trị, tỷ lệ này tăng lên 98%, tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.
Biểu đồ. Thay đổi tỷ lệ bệnh nhân theo tỷ lệ tinh trùng hình thái bình thường
Kết quả điều trị chung
Sau 3 tháng điều trị, có 68% bệnh nhân đạt kết quả tốt chiếm đa số, 22% đạt loại khá, 6% đạt loại trung bình, chỉ có 4% đạt loại kém.
Biểu đồ. Phân loại kết quả điều trị
Trong quá trình thực hiện đề tài có 6 bệnh nhân vợ có thai tự nhiên, trong đó 5 bệnh nhân thuộc nhóm vô sinh I, 1 bệnh nhân thuộc nhóm không liên quan đến vô sinh, những bệnh nhân này đều có 5 chỉ tiêu trở về bình thường sau điều trị, thuộc nhóm đạt kết quả tốt.
Kết quả cải thiện các triệu chứng lâm sàng theo YHCT
Các triệu chứng lâm sàng của hội chứng thận dương hư (sắc mặt nhợt, sợ lạnh, chân tay lạnh, đau mỏi lưng, tiểu nhiều lần, mạch bộ xích trầm tế) đều được cải thiện rõ rệt sau 3 tháng điều trị (p < 0,05).
Tác dụng không mong muốn
Trong quá trình uống thuốc, bệnh nhân không có các dấu hiệu lâm sàng không mong muốn như: nôn, đau bụng, mẩn ngứa, rối loạn đại tiện.
KẾT LUẬN
– Tính an toàn của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn trên thực nghiệm: Viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn không gây độc tính cấp và độc tính bán trường diễn trên động vật thực nghiệm.
– Tác dụng của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn trong điều trị bệnh nhân suy giảm tinh trùng thể thận dương hư.
+ Viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn có tác dụng làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng ở những bệnh nhân SGTT thể thận dương hư sau 3 tháng điều trị liên tục:
+ Thể tích tinh dịch, mật độ tinh trùng, tỷ lệ tinh trùng tiến tới, tỷ lệ tinh trùng sống, tỷ lệ tinh trùng hình thái bình thường đều tăng có ý nghĩa thống kê (với p < 0,05). Các triệu chứng của thận dương hư đều cải thiện tốt sau điều trị.
+ Kết quả chung 68% đạt loại tốt và 22% loại khá.
+ Trong quá trình điều trị bằng viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn chưa ghi nhận được các tác dụng không mong muốn như nôn, đau bụng, mẩn ngứa, rối loạn đại tiện trên bệnh nhân. Thuốc không ảnh hưởng đến các chỉ số mạch, huyết áp trung bình, công thức máu; chức năng gan, thận.
Ts.Bs Nguyễn Văn Dũng và Cộng sự
TÀI LIỆU THAM KHẢO
5. 江海身, 阵志强 (2008). 男科专病-中医临床诊治, 人民卫生出版社