Mục tiêu: Xác định độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của viên hoàn cứng “Sâm nhung tán dục đơn trên động vật thực nghiệm. Phương pháp: Xác định độc tính cấp bằng phương pháp Litchfield-Wilcoxon trên chuột nhắt trắng chủng Swiss, xác định độc tính bán trường diễn trên chuột cống trắng chủng Wistar theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Kết quả: Không phát hiện thấy viên hoàn cứng “Sâm nhung tán dục đơn” có độc tính cấp (liều 50,0g/kg/ngày), không xác định được LD50 của thuốc trên chuột nhắt trắng theo đường uống. Sau 12 tuần, chuột cống trắng được uống thuốc thử với liều 0,504g/kg/ngày (liều có tác dụng tương đương trên người, tính theo hệ số 7) và với liều 1,512g/kg/ngày (gấp 3 lần liều tương đương trên người) không làm ảnh hưởng đến thể trạng, chức năng tạo máu của chuột; không làm thay đổi kết quả đánh giá chức năng gan, thận; không gây tổn thương về hình thái đại thể và vi thể các cơ quan gan, thận chuột. Kết luận: Viên hoàn cứng “Sâm nhung tán dục đơn” không gây độc tính cấp và độc tính bán trường diễn trên động vật thực nghiệm.
Từ khóa: Sâm nhung tán dục đơn, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn
Summary
ACUTE AND SUB – CHRONIC TOXICITY OF “SAM NHUNG TAN DUC DON” TABLETS IN EXPERIMENTAL ANIMALS
Objective: To evaluate the acute and sub-chronic toxicity of “Sam nhung tan duc don” tablets in experimental animals. Method: The acute toxicity was examined by the Litchfield-Wilcoxon’s method in Swiss white mice, sub-chronic toxicity was studied following guidance of World Health Organization in Wistar white rats. Results: No acute toxicity at the highest dose of “Sam nhung tan duc don” (50,0g/kg/per day), the mean lethal dose (LD50) was not identified when applying the experiment on white mice by oral route. After 12 weeks of being used “Sam nhung tan duc don” at 0,504g/kg/per day (equivalent to the normal human dosage, calculated based on the coefficient 7) and at 1,512g/kg/per day (equivalent to 3 times of human dosage), white rats was no effect on physical condition as well as hematological, no change on the evaluation of liver and kidney function, no injury on the macro and micro morphology of liver and kidney. Conclusion: The “Sam nhung tan duc don” tablets did not cause acute and sub-chronic toxicity in experimental animals.
Keywords: Sam nhung tan duc don, acute toxicity, sub-chronic toxicity.
Suy giảm tinh trùng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây vô sinh nam, được chẩn đoán qua xét nghiệm tinh dịch đồ [1]. Số lượng và chất lượng tinh trùng người trên thế giới đang có xu hướng ngày càng giảm. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới: mật độ tinh trùng giảm từ 40 triệu/ml (1980) xuống 20 triệu/ml (1999) và 15 triệu/ml (2010); tỷ lệ tinh trùng tiến tới giảm từ 50% (1999) xuống 32% (2010) [2],[3]. Hơn nữa vô sinh do nam giới chiếm 50% trong các cặp vợ chồng vô sinh [4], ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình. Y học hiện đại đã có nhiều thành tựu trong điều trị suy giảm tinh trùng nhưng kết quả không ổn định và tản mạn tùy theo nguyên nhân. Vì vậy việc sử dụng các phương thuốc y học cổ truyền trong điều trị suy giảm tinh trùng đã và đang được nhiều tác giả quan tâm. Tán dục đơn là bài thuốc cổ phương đã được nghiên cứu và đánh giá có tác dụng trong điều trị suy giảm tinh trùng thể thận dương hư [5]. Trên cơ sở đó, chúng tôi gia thêm hai vị Lộc Nhung và Nhân sâm với mục đích tăng cường hiệu quả của bài thuốc lên số lượng và chất lượng tinh trùng, thuốc được sản xuất dưới dạng viên hoàn cứng. Để đánh giá tính an toàn của thuốc, chúng tôi tiến hành nghiên cứu nhằm mục tiêu: Xác định độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn trên động vật thực nghiệm.
2.1. Chất liệu nghiên cứu
Bài thuốc Sâm nhung tán dục đơn được bào chế dưới dạng viên hoàn cứng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng theo tiêu chuẩn cơ sở. Thành phần, hàm lượng thô cho 1 viên hoàn cứng 0,3g gồm:
Stt | Tên thuốc | Tên khoa học | Hàm lượng thô (mg) |
1 | Thục địa | Radix Rhemanniae praeparatus | 673,4 |
2 | Bạch truật | Rhizoma Atratilodis macrocephalae | 673,4 |
3 | Kỷ tử | Fructus Lycii | 505,1 |
4 | Đương quy | Radix Angenicae sinensis | 505,1 |
5 | Tiên mao | Rhizoma Curculiginis | 336,7 |
6 | Đỗ trọng | Cortex Eucommiae | 336,7 |
7 | Sơn thù | Fructus Corni | 336,7 |
8 | Dâm dương hoắc | Herba Epimedii | 336,7 |
9 | Ba kích | Radix Morindae Officinalis | 336,7 |
10 | Nhục thung dung | Herba Cistanches | 336,7 |
11 | Cửu tử | Semen Allii tuberosi | 336,7 |
12 | Xà sàng tử | Fructus Cnidii | 168,4 |
13 | Phụ tử chế | Radix Aconiti | 168,4 |
14 | Quế nhục | Cortex Cinamoni | 168,4 |
15 | Lộc nhung | Cornu Cervi Pantotrichum | 84,2 |
16 | Nhân sâm | Radix Ginseng | 298 |
2.2. Đối tượng nghiên cứu
2.2.1. Độc tính cấp
Chuột nhắt trắng chủng Swiss, cả 2 giống, khoẻ mạnh, trọng lượng 18 – 22g, do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp.
2.2.2. Độc tính bán trường diễn
Chuột cống trắng chủng Wistar, cả 2 giống, khoẻ mạnh, trọng lượng trung bình 180 ± 20g do Ban chăn nuôi – Học viện Quân y cung cấp.
Chuột được nuôi tại khoa Nghiên cứu thực nghiệm – Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội 3 – 5 ngày trước khi nghiên cứu và trong suốt thời gian nghiên cứu bằng thức ăn chuẩn dành riêng cho chuột, uống nước tự do.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Độc tính cấp
Nghiên cứu độc tính cấp và xác định LD50 của thuốc thử được tiến hành trên trên chuột nhắt trắng theo đường uống bằng phương pháp Litchfield – Wilcoxon và theo hướng dẫn của WHO [6],[7].
Trước khi tiến hành thí nghiệm, cho chuột nhịn ăn qua đêm. Chuột được chia thành các lô khác nhau, mỗi lô 10 con. Cho chuột uống thuốc thử với liều tăng dần trong cùng một thể tích (0,25ml/10g/lần, uống 3 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 2 giờ) để xác định liều thấp nhất gây chết 100% chuột và liều cao nhất không gây chết chuột
Theo dõi tình trạng chung của chuột, quá trình diễn biến bắt đầu có dấu hiệu nhiễm độc (như nôn, co giật, kích động…) và số lượng chuột chết trong vòng 72 giờ sau khi uống thuốc. Tất cả chuột chết được mổ để đánh giá tổn thương đại thể. Từ đó xây dựng đồ thị tuyến tính để xác định LD50 của thuốc thử. Sau đó tiếp tục theo dõi tình trạng của chuột đến hết ngày thứ 7 sau khi uống thuốc.
2.3.2. Độc tính bán trường diễn
Tiến hành trên chuột cống trắng Wistar theo đường uống theo hướng dẫn của WHO đối với thuốc Y học cổ truyền.
Chuột cống được chia ngẫu nhiên làm 3 lô, mỗi lô 10 con:
– Lô chứng: uống nước cất liều 1ml/100g/ngày
– Lô trị 1: Uống thuốc thử liều 0,504g/kg/ngày (liều có tác dụng tương đương trên người, tính theo hệ số 7)
– Lô trị 2: Uống thuốc thử liều 1,512g/kg/ngày (gấp 3 lần lô trị 1)
Chuột được uống nước cất hoặc thuốc thử mỗi ngày một lần vào buổi sáng, trong 12 tuần liên tục.
Các chỉ tiêu theo dõi trước và trong quá trình nghiên cứu: Tình trạng chung, thể trọng chuột; đánh giá chức phận tạo máu thông qua số lượng hồng cầu, hemoglobin, hematocrit, thể tích trung bình hồng cầu, số lượng bạch cầu, công thức bạch cầu và số lượng tiểu cầu; đánh giá chức năng gan thông qua định lượng một số chất chuyển hoá trong máu: bilirubin toàn phần và cholesterol toàn phần; đánh giá mức độ hủy hoại tế bào gan thông qua định lượng hoạt độ enzym trong máu: ALT, AST, GGT; đánh giá chức năng thận thông qua định lượng nồng độ ure, creatinin huyết thanh.
Các thông số theo dõi được kiểm tra vào trước lúc uống (T0), sau 6 tuần (T6) và sau 12 tuần (T12) uống nước hoặc thuốc thử.
Mô bệnh học: Sau 12 tuần uống thuốc, chuột được mổ để quan sát đại thể toàn bộ các cơ quan. Kiểm tra ngẫu nhiên cấu trúc vi thể gan, thận của 30% số chuột ở mỗi lô và những chuột có tổn thương đại thể về gan, thận. Các xét nghiệm vi thể gan, thận được thực hiện tại Bộ môn Giải phẫu bệnh – Viện 103 – Học viện Quân y.
2.4. Xử lý số liệu
Các số liệu được xử lý thống kê theo thuật toán T-test Student bằng phần mềm Microsoft Excel. Số liệu được biểu diễn dưới dạng: X± SD. Sự khác biệt có ý nghĩa khi p < 0,05.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Độc tính cấp
Chuột nhắt trắng được uống thuốc thử từ liều thấp nhất tăng dần đến liều 50,0g/kg/ngày nhưng không có chuột nào chết, không xuất hiện triệu chứng bất thường nào trong 72 giờ sau uống thuốc lần đầu và trong suốt 7 ngày. Liều 50,0g/kg là liều tối đa có thể dùng được bằng đường uống để đánh giá độc tính cấp của thuốc thử (nồng độ đặc nhất, thể tích mỗi lần uống tối đa, số lần dùng tối đa trong 24 giờ). So sánh với liều dự kiến trên người là 12 viên hoàn cứng/ngày/50kg (Tính người lớn trưởng thành nặng 50 kg) hay 3,6g/50 kg hay 0,072g/kg: chuột đã uống đến liều cao gấp 57,87 lần (Tính hệ số ngoại suy trên chuột nhắt trắng là 12) nhưng không xuất hiện độc tính cấp.
3.2. Độc tính bán trường diễn
3.2.1. Tình trạng chung
Trong suốt thời gian nghiên cứu, chuột ở cả 3 lô hoạt động bình thường, nhanh nhẹn, mắt sáng, lông mượt, ăn uống tốt, phân khô.
3.2.2. Sự thay đổi trọng lượng chuột
Bảng 3.1. Ảnh hưởng của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn đến trọng lượng chuột
Thời gian | Trọng lượng (gam) | p (t-test Student) | ||
Lô chứng | Lô trị 1 | Lô trị 2 | ||
T0 | 169,50 ± 6,74 | 168,90 ± 5,60 | 170,60 ± 5,60 | > 0,05 |
T6 | 190,40 ± 7,40 | 189,60 ± 6,40 | 191,40 ± 7,04 | > 0,05 |
p (T0 – T6) | < 0,05 | < 0,05 | < 0,05 | |
T12 | 213,20 ± 6,60 | 210,80 ± 6,23 | 213,4 ± 7,10 | > 0,05 |
p (T0 – T12) | < 0,05 | < 0,05 | < 0,05 |
Sau 6 tuần và 12 tuần, trọng lượng chuột ở cả 3 lô (lô chứng và 2 lô trị ) đều tăng so với trước khi uống thuốc (p < 0,05). Không có sự khác biệt về mức độ gia tăng trọng lượng chuột giữa lô chứng và các lô dùng thuốc thử tại cùng thời điểm (p > 0,05).
3.2.3. Đánh giá chức năng tạo máu
Bảng 3.2. Ảnh hưởng của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn đến số lượng hồng cầu trong máu chuột
Thời gian | Số lượng hồng cầu (T/l) | p (t-test Student) | ||
Lô chứng | Lô trị 1 | Lô trị 2 | ||
T0 | 6,67 ± 0,58 | 7,04 ± 0,40 | 6,87 ± 0,79 | > 0,05 |
T6 | 7,18 ± 0,82 | 6,98 ± 0,71 | 7,10 ± 1,20 | > 0,05 |
p (T0 – T6) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 | |
T12 | 7,10 ± 0,65 | 6,90 ± 0,82 | 6,86 ± 1,34 | > 0,05 |
p (T0 – T12) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 |
Sau 6 tuần và 12 tuần, số lượng hồng cầu chuột ở cả lô trị 1 (uống thuốc liều 0,504g/kg/ngày) và lô trị 2 (uống thuốc liều 1,512g/kg/ngày) đều không có sự khác biệt có ý nghĩa so với lô chứng và so với trước khi uống thuốc thử (p > 0,05).
Bảng 3.3. Ảnh hưởng của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn đến số lượng bạch cầu trong máu chuột
Thời gian | Số lượng bạch cầu (G/l) | p (t-test Student) p | ||
Lô chứng | Lô trị 1 | Lô trị 2 | ||
T0 | 10,56 ± 2,12 | 9,00 ± 1,30 | 9,40 ± 1,55 | > 0,05 |
T6 | 10,51 ± 2,82 | 9,17 ± 1,83 | 9,25 ± 1,30 | > 0,05 |
p (T0 – T6) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 | |
T12 | 10,33 ± 1,26 | 10,13 ± 2,82 | 10,23 ± 2,36 | > 0,05 |
p (T0 – T12) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 |
Sau 6 tuần và 12 tuần, số lượng bạch cầu chuột ở cả 2 lô trị không có sự khác biệt có ý nghĩa so với lô chứng và so với trước khi uống thuốc thử (p > 0,05).
Bảng 3.4. Ảnh hưởng của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn đến số lượng tiểu cầu trong máu chuột
Thời gian | Số lượng tiểu cầu (G/l) | p (t-test Student) | ||
Lô chứng | Lô trị 1 | Lô trị 2 | ||
T0 | 337,30 ± 35,48 | 304,90 ± 56,29 | 319,90 ± 50,73 | > 0,05 |
T6 | 345,40 ± 61,16 | 315,50 ± 46,37 | 348,20 ± 60,96 | > 0,05 |
p (T0 – T6) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 | |
T12 | 352,50 ± 56,85 | 335,90 ± 57,17 | 347,00 ± 77,22 | > 0,05 |
p (T0 – T12) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 |
Sau 6 tuần và 12 tuần, số lượng tiểu cầu chuột ở cả 2 lô trị không có sự khác biệt có ý nghĩa so với lô chứng và so với trước khi uống thuốc thử (p > 0,05).
Ngoài ra, hàm lượng huyết sắc tố, hematocrit, thể tích trung bình hồng cầu, công thức bạch cầu ở cả 2 lô trị không có sự khác biệt có ý nghĩa so với lô chứng và so với trước khi uống thuốc thử (p > 0,05).
3.2.4. Đánh giá mức độ hủy hoại tế bào gan và chức năng gan
Bảng 3.5. Ảnh hưởng của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn đến hoạt độ AST (GOT) trong máu chuột
Thời gian | Hoạt độ AST (U/l) | p (t-test Student) | ||
Lô chứng | Lô trị 1 | Lô trị 2 | ||
T0 | 140,45 ± 8,82 | 152,67 ± 35,79 | 155,54 ± 28,76 | > 0,05 |
T6 | 145,29 ± 13,60 | 141,83 ± 23,74 | 138,25 ± 21,13 | > 0,05 |
p (T0 – T6) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 | |
T12 | 148,56 ± 10,86 | 132,86 ± 23,16 | 149,57 ± 27,41 | > 0,05 |
p (T0 – T12) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 |
Bảng 3.6. Ảnh hưởng của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn đến hoạt độ ALT (GPT) trong máu chuột
Thời gian | Hoạt độ ALT (U/l) | p (t-test Student) | ||
Lô chứng | Lô trị 1 | Lô trị 2 | ||
T0 | 39,56 ± 10,85 | 43,63 ± 7,27 | 38,13 ± 6,97 | > 0,05 |
T6 | 35,92 ± 9,02 | 41,04 ± 11,60 | 35,66 ± 7,21 | > 0,05 |
p (T0 – T6) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 | |
T12 | 42,56 ± 8,92 | 44,59 ± 10,16 | 38,80 ± 5,23 | > 0,05 |
p (T0 – T12) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 |
Sau 6 tuần và 12 tuần, hoạt độ AST, ALT trong máu chuột ở cả 2 lô trị không có sự khác biệt có ý nghĩa so với lô chứng và so với trước khi uống thuốc thử (p > 0,05).
Nghiên cứu cũng cho thấy hoạt độ GGT, nồng độ Bilirubin toàn phần, cholesterol toàn phần trong máu chuột ở cả 2 lô trị không có sự khác biệt có ý nghĩa so với lô chứng và so với trước khi uống thuốc thử (p > 0,05).
3.2.5. Đánh giá chức năng thận
Bảng 3.7. Ảnh hưởng của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn đến hàm lượng Ure trong máu chuột
Thời gian | Ure (mmol/L) | p (t-test Student) | ||
Lô chứng | Lô trị 1 | Lô trị 2 | ||
T0 | 3,81 ± 0,98 | 4,31 ± 0,92 | 4,40 ± 0,88 | > 0,05 |
T6 | 3,27 ± 0,90 | 3,72 ± 1,18 | 3,82 ± 1,01 | > 0,05 |
p (T0 – T6) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 | |
T12 | 3,38 ± 0,89 | 3,63 ± 1,05 | 3,85 ± 0,71 | > 0,05 |
p (T0 – T12) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 |
Bảng 3.8. Ảnh hưởng của viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn đến hàm lượng Creatinin trong máu chuột
Thời gian | Creatinin (µmol/L) | p (t-test Student) | ||
Lô chứng | Lô trị 1 | Lô trị 2 | ||
T0 | 85,26 ± 11,09 | 91,46 ± 10,09 | 88,87 ± 8,69 | > 0,05 |
T6 | 78,48 ± 8,84 | 85,10 ± 11,83 | 82,30 ± 11,11 | > 0,05 |
p (T0 – T6) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 | |
T12 | 78,83 ± 4,81 | 84,39 ± 9,10 | 82,99 ± 7,76 | > 0,05 |
p (T0 – T12) | > 0,05 | > 0,05 | > 0,05 |
Sau 6 tuần và 12 tuần, nồng độ ure, creatinin trong máu chuột ở cả 2 lô trị không có sự khác biệt có ý nghĩa so với lô chứng và so với trước khi uống thuốc thử (p > 0,05).
3.2.6. Kết quả mô bệnh học sau 12 tuần uống thuốc
* Đại thể: Trên tất cả các chuột thực nghiệm (cả lô chứng và 2 lô trị), không quan sát thấy có thay đổi bệnh lý nào về mặt đại thể của các cơ quan tim, phổi, gan, lách, tụy, thận và hệ thống tiêu hoá của chuột cống.
* Vi thể
Chuột số 07, lô chứng | Chuột số 33, lô trị 1 | Chuột số 44, lô trị 2 |
Hình 3.1. Hình thái vi thể gan chuột cống (HE x 200): cả lô chứng và 2 lô trị đều có hình ảnh cấu trúc gan bình thường.
Chuột số 07, lô chứng | Chuột số 33, lô trị 1 | Chuột số 44, lô trị 2 |
Hình 3.2. Hình thái vi thể gan chuột cống (HE x 200): cả lô chứng và 2 lô trị đều có hình ảnh cấu trúc thận bình thường.
4.1. Độc tính cấp
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả các thuốc có nguồn gốc từ dược liệu đều phải đánh giá độc tính cấp và bán trường diễn trên thực nghiệm trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng [7]. Xác định độc tính cấp và LD50 để đánh giá mức độ độc và có cơ sở cho việc chọn liều thử tác dụng cho các bước nghiên cứu tiếp theo. Chuột nhắt trắng đã được uống Sâm nhung tán dục đơn ở nồng độ đậm đặc nhất, thể tích tối đa 0,25ml/10g và số lần tối đa 3 lần/ngày, tương đương 50,0g/kg/ngày và không có biểu hiện độc tính cấp, không xác định được LD50. Về liều lượng thuốc trên thực nghiệm, chuột đã uống thuốc gấp 57,87 lần liều dùng trên người (tính hệ số ngoại suy trên chuột nhắt là 12) nhưng vẫn không có độc tính cấp. Trên thực tế không bao giờ dùng đến liều này.
4.2. Độc tính bán trường diễn
Theo WHO, tình trạng chung, trọng lượng cơ thể và các chỉ số huyết học là những xét nghiệm bắt buộc khi đánh giá độc tính của thuốc thử [7]. Máu liên quan mật thiết với mọi cơ quan trong cơ thể. Về mặt bệnh lý, máu chịu ảnh hưởng của tất cả tổ chức đó và đồng thời cũng phản ánh tình trạng riêng của cơ quan tạo máu [8]. Nếu thuốc có ảnh hưởng đến cơ quan tạo máu thì trước hết các thành phần của máu sẽ bị thay đổi. Vì vậy, các xét nghiệm về số lượng hồng cầu, hàm lượng huyết sắc tố, hematocrit, thể tích trung bình hồng cầu, số lượng bạch cầu, công thức bạch cầu, công thức tiểu cầu của chuột thí nghiệm được xác định. Sau 6 tuần và 12 tuần uống Sâm nhung tán dục đơn, các chỉ số trên của chuột ở cả 2 lô trị đều thay đổi không có ý nghĩa so với trước khi dùng thuốc và so với lô chứng ở cùng thời điểm (p > 0,05). Như vậy thuốc Sâm nhung tán dục đơn không thể hiện độc tính trên cơ quan tạo máu.
Trong cơ thể, gan đảm nhận rất nhiều chức năng quan trọng. Khi đưa thuốc vào cơ thể có thể gây độc với gan, ảnh hưởng tới chức năng gan. Vì vậy đánh giá độc tính của thuốc đối với chức năng gan là cần thiết [8]. Để đánh giá mức độ tổn thương tế bào gan, người ta thường định lượng nồng độ các enzyme trong huyết thanh có nguồn gốc từ gan. Sự tăng nồng độ các enzym này thường gắn liền với độc tính của thuốc do sự hủy hoại tế bào gan. Trong nghiên cứu của chúng tôi, sau 12 tuần uống thuốc, hoạt độ ALT (alanine amino transferase), ALT (aspartate amino transferase), GGT (Gama glutamyl transferase) và các chỉ số đánh giá chức năng gan (Bilirubin toàn phần, cholesterol toàn phần trong máu) ở cả 2 lô trị đều nằm trong giới hạn bình thường.
Thận là cơ quan bài tiết của cơ thể. Nhu mô thận rất dễ bị tổn thương bởi các chất nội sinh và ngoại sinh [8]. Vì vậy, khi đưa thuốc vào cơ thể có thể gây tổn thương thận, ảnh hưởng đến chức năng thận. Đánh giá chức năng thận sau khi dùng thuốc thường dùng xét nghiệm định lượng ure và creatinin máu. Trong nghiên cứu, nồng độ ure, creatinin trong máu chuột sau khi uống thuốc Sâm nhung tán dục đơn không có sự thay đổi khác biệt so với lô chứng và so sánh giữa hai thời điểm trước và sau khi dùng thuốc thử (p > 0,05).
Giải phẫu đại thể và vi thể gan, thận là chỉ số bắt buộc khi đánh giá độc tính bán trường diễn theo hướng dẫn của WHO [7]. Hơn nữa xét nghiệm vi thể là tiêu chuẩn vàng để đánh giá tổn thương 2 cơ quan chính chịu trách nhiệm chuyển hóa và thải trừ thuốc. Trên tất cả các chuột nghiên cứu, không quan sát thấy thay đổi bệnh lý nào về đại thể và vi thể của gan, thận chuột.
Viên hoàn cứng Sâm nhung tán dục đơn không gây độc tính cấp trên chuột nhắt trắng theo đường uống khi uống đến liều dung nạp tối đa là 50,0g/kg (gấp 57,87 lần liều dùng dự kiến trên người). Không xác định được LD50 của thuốc thử trên chuột nhắt trắng theo đường uống.
Thuốc Sâm nhung tán dục đơn không gây độc tính bán trường diễn trên chuột cống trắng khi cho chuột uống thuốc liều 0,504g/kg/ngày và liều 1,512g/kg/ngày trong 12 tuần liên tục.
TÀI LIỆU THAM KHẢO